Ticker

10/recent/ticker-posts

Những Cryptocurrency lừa đảo trong hệ sinh thái tiền kỹ thuật số


Cryptocurrency là một khái niệm còn khá mới mẻ đối với rất nhiều người, cũng như hệ sinh thái Cryptocurrency là một phạm vi bao la rất khó nắm bắt. Hoà mình cùng xu hướng phát triển của thế giới, mỗi ngày trôi qua có rất nhiều loại Cryptocurrency ra đời, nhưng chỉ dưới 10% trong số đó thực sự hữu dụng. Số còn lại thì chìm dần theo thời gian vì không cung cấp được giá trị sử dụng cho người dùng hoặc chỉ được sử dụng như một đồng tiền nội bộ.

Trong số những loại Cryptocurrency đang chìm dần đó, có rất nhiều loại đã và đang hoạt động theo mô hình tiếp thị đa cấp. Thực sự thì việc tạo ra một loại Cryptocurrency không hề khó, bản chất của Blockchain là mã nguồn mở, bất kỳ ai cũng có thể chỉnh sửa mã nguồn có sẵn để tạo ra một loại khác. Đối với chúng tôi, việc tạo ra một Cryptocurrency mới chỉ mất 30 phút cài đặt môi trường và thư viện, thời gian còn lại chúng tôi có thể tìm mã nguồn của Litecoin hoặc Dogecoin trên GitHub và thay đổi thông số kỹ thuật. Vì lý do đó chúng tôi xin phép liệt kê một vài Cryptocurrency hiện đang hoạt động theo mô hình đa cấp để mọi người cảnh giác hơn, nhất là những người lần đầu tiên bước vào hệ sinh thái Cryptocurrency này.

Trong một số bài viết trước đây chúng tôi đã gửi đến cho bạn đọc những loại Cryptocurrency lừa đảo theo hình thức Ponzi, bài viết này chúng tôi tiếp tục gửi đến các bạn danh sách những Cryptocurrency lừa đảo theo hình thức ponzi mà trước đây chúng tôi đã khuyến cáo các nhà đầu tư không đầu tư vào những loại Cryptocurrency này.

Xenixcoin

Bất kỳ ai bước chân vào cộng đồng Xenixcoin sẽ nhận được những lời hứa hẹn đạt được lợi nhuận ngay từ khi lập tài khoản. Ngay từ đầu Xenixcoin đã quảng cáo mình là một mạng lưới tiếp thị đa cấp. Thông thường những Cryptocurrency như vậy thường dao động quanh mốc $1 / token, và giá trị của những token này được tự do điều chỉnh bởi những người chủ của mô hình tài chính này.


Cách thức hoạt động của Xenixcoin cũng khá đơn giản. Chỉ cần đầu tư một khoản tiền để bắt đầu hoạt động gọi là "khai thác" - thực sự thì bản chất của việc khai thác là tham gia xác nhận giao dịch và tìm những khối Crypto mới, sau đó sẽ nhận được phần thưởng là một lượng đơn vị tiền tệ, chứ không phải là trực tiếp khai thác như mọi người lầm tưởng. Sau khi kết thúc thời hạn 75 ngày khai thác, người dùng sẽ tự động nhận lấy lợi nhuận trong ví. Ngoài ra Xenixcoin còn được giao dịch trên sàn C-Cex hay NovaExchange - đây thực chất chỉ là những công ty start-up và chưa có khả năng lên được mức độ sàn như vẫn thường quảng cáo. Rõ ràng những sàn này không phải nơi uy tín để bảo lãnh các loại Cryptocurrency này. Một thông tin ngoài luồng khác cho biết NovaExchange đang có kế hoạch trở thành sàn đầu tiên niêm yết Bitcoin Unlimited (BTU) với hy vọng được nổi tiếng như sàn Poloniex khi gây tranh cãi lúc niêm yết Ethereum Classic (ETC).

Và sàn Poloniex - một trong những sàn giao dịch Altcoin hàng đầu thế giới, để được niêm yết một loại Cryptocurrency nào đó phải trải qua quy trình khai báo khắt khe từ việc cung cấp thông tin về thông số kỹ thuật, lộ trình hoạt động trong tương lai, mã nguồn trên GitHub hay cộng đồng trên diễn đàn BitcoinTalk.org. Rất nhiều loại Cryptocurrency khác trên Poloniex thậm chí còn mạnh gấp nhiều lần, nhưng vẫn trong trạng thái "chết lên, chết xuống", để rồi bị gỡ niêm yết ra khỏi sàn vì chẳng ai thèm giao dịch ?!

Swisscoin

Những loại Cryptocurrency được đặt tên theo quốc gia hoặc một tổ chức nào đó sớm muộn cũng sẽ biến mất. Swisscoin là một trong số những Cryptocurrency đa cấp nhằm lừa gạt những nhà đầu tư như vậy. Thậm chí dường như Swisscoin không có Blockchain cho riêng mình. Hãy nhớ, Blockchain là mã nguồn mở, nếu thực sự minh bạch thì mã nguồn phải được công khai trên GitHub hay nơi nào đó để cộng đồng cùng đánh giá sức mạnh cũng như độ uy tín trong code.


Manfred Mayer - người dẫn dắt mô hình dự án Swisscoin, từng là một người có kinh nghiệm trong các hoạt động tiếp thị đa cấp. Việc bắt buộc khách hàng đăng ký tài khoản khi tham gia đầu tư cho thấy dấu hiệu của một dự án Ponzi hiện rõ. Người dùng chỉ có thể tham gia mua Swisscoin và hoàn toàn không hoạt động theo tính chất của một loại Cryptocurrency như khai thác hay giao dịch.

Onecoin

Quá nổi tiếng !!! Một mô hình tiếp thị đa cấp lớn nhất trong hệ sinh thái Cryptocurrency. Tình hình hiện tại của Onecoin chỉ trông chờ để biến mất vào màn đêm. Khi điều đó xảy ra, có lẽ các nhà đầu tư sẽ đối mặt với hậu quả nghiêm trọng khi không nắm vững kiến thức căn bản. Bên cạnh đó, cũng còn rất nhiều người vẫn tin rằng Onecoin là một loại Cryptocurrency, có Blockchain và sẽ được công bố lên sàn trong năm 2018. Chúng tôi nhớ không nhầm Onecoin đã rất nhiều lần hứa hẹn lên sàn đủ kiểu, nhưng theo chúng tôi được biết hiện tại Onecoin tại Việt Nam đang được mua với giá chỉ có 2.000 VNĐ/Onecoin.


Cũng như Swisscoin, không thể mua Onecoin từ các sàn giao dịch. Thực tế là khách hàng cần đăng ký tài khoản để có thể tham gia đầu tư Onecoin. Đây không phải là cách thức mà một Cryptocurrency hoạt động, hãy nhớ Bitcoin hay các loại Cryptocurrency nổi tiếng không yêu cầu đăng ký tài khoản để có thể tham gia vào cộng đồng đó, điều đơn giản nhất là sở hữu ví để có thể chứa đựng Cryptocurrency. Do đó, Onecoin là một mô hình Ponzi và mọi người cần phải tỉnh táo.

Ngày nay, các sân chơi MMM (sân chơi cho nhận), các site HYIP cũng vẽ nên nhiều Cryptocurrency với nhiều tên gọi khác nhau. Điển hình có Bitkingdom sau 06 tháng chạy thì đã cho ra rất nhiều Cryptocurrency ảo (BKcoin, Aureus) nhưng về thực tế thì nó không hề có bất kỳ coin nào, chỉ là giftcode để lừa bịp nhà đầu tư. Hay như BTCLand, TheFutureBit, v.v.... với các coin mang tên gọi  Landcoin, EB3C, v.v... Rồi đến SCOIN, Earthcoin, v.v... Chúng là những hình thái đa cấp lừa đảo làm xấu đi Cryptocurrency đúng nghĩa. Bởi có quá nhiều nhà đầu tư có thể vì thiếu hiểu biết về Cryptocurrency, có thể vì hám lợi, vì u mê, vì đồng tiền mà bất chấp mọi cảnh báo được đưa ra để cuối cùng gánh lấy những hậu quả nặng nề từ hệ sinh thái lừa đảo của MLM (đa cấp) hay còn gọi là mô hình ponzi.