Ticker

10/recent/ticker-posts

Ấn Độ rơi vào khủng hoảng sau đổi tiền


Hơn một tháng kể từ sau khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bất ngờ tuyên bố đổi tiền, mọi hoạt động của doanh nghiệp, người lao động và dân chúng vẫn tiếp tục đảo lộn và chưa thể trở lại bình thường.

Trong hai năm qua, Noida - khu vực nằm ở ngoại ô thủ đô New Delhi - đã phát triển như vũ bão, trở thành một trung tâm sản xuất điện thoại lớn, thu hút hàng chục ngàn lao động nông thôn. Noida từng được coi là ví dụ điển hình trong sáng kiến của Thủ tướng N. Modi, thúc đẩy các ngành công nghiệp và hàng hóa “sản xuất tại Ấn Độ” (Made in India).

Sản xuất ngừng trệ

 

Nhưng đó là thời điểm trước ngày 8-11 chứ không phải bây giờ”, ông Vipin Malhan, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp vùng Noida, người đồng thời điều hành một công ty chuyên sản xuất phụ kiện điện thoại di động, nói với The Washington Post. “Nhiều nhà máy sản xuất và các đơn vị lắp ráp từng phải làm việc 3 ca suốt 24 tiếng đồng hồ, giờ chỉ còn làm 1 ca. Tất cả chúng tôi đều bị sốc”, ông Malhan nói về tác động của quyết định đổi tiền mà chính phủ ban hành hôm 8-11. “Một từ mà các doanh nghiệp ở đây sợ nhất, đó là từ bất ổn. Chính phủ đã đẩy nó về phía chúng tôi”, ông Malhan chua chát nói.

Thủ tướng Modi lên nắm quyền vào năm 2014 với những lời hứa hẹn sẽ thúc đẩy kinh doanh, tạo việc làm và truy quét tham nhũng. Sau hơn nửa nhiệm kỳ, ông đã thực hiện một bước đi gây tranh cãi là hủy bỏ lưu hành hai tờ tiền có mệnh giá lớn nhất và phổ biến nhất là 500 và 1.000 rupee (500 rupee trị giá khoảng 7,3 đô la Mỹ), với lý do để truy quét tham nhũng và buộc lộ diện các khoản tiền trốn thuế đang được che giấu trong “nền kinh tế đen” của Ấn Độ.

Quyết định này đã gần như làm “đóng băng” mọi hoạt động sản xuất kinh doanh tại các khu vực công nghiệp như vùng Noida và trên toàn quốc. Theo số liệu của The Washington Post, các cụm công nghiệp quy mô nhỏ và vừa, sử dụng tổng cộng hơn 80 triệu lao động trên khắp Ấn Độ, đã báo cáo giảm doanh số bán hàng, ngừng trệ sản xuất và sa thải nhân viên kể từ sau ngày 8-11. Nhiều thị trấn nổi tiếng với nghề dệt may, thợ khóa, sản xuất phụ tùng xe đạp, thủ công mỹ nghệ... đều phải đối mặt với tình trạng hàng tồn kho tăng cao do sức mua giảm vì thiếu tiền mặt. Ngay cả các công ty sản xuất xe hơi lớn cũng đã đóng cửa một số nhà máy. Tháng 12 này, Goldman Sachs đã hạ triển vọng tăng trưởng của Ấn Độ xuống còn 6,3%.

Chúng tôi nghe nói, công ty không có đơn đặt hàng mới từ thị trường. Nguyên liệu thô không có vì công ty không thể thanh toán còn các kho hàng thì chất đống”, Sudhir Ramphool Singh, 33 tuổi, người vừa bị mất việc tại một công ty lắp ráp điện thoại di động ở Noida nói với The Washington Post. Singh là trụ cột duy nhất trong gia đình 7 người, nhưng anh vừa phải rời công ty và trở về nhà tại làng Dharavu ở miền Bắc Ấn Độ. “Sản xuất chậm lại. Công ty bị đóng cửa trong 10 ngày và khi nó mở cửa trở lại, nhiều người trong đó có tôi bị yêu cầu nghỉ việc”, anh kể

Lao động mất việc


Trớ trêu thay, chính Thủ tướng Modi là người đã nỗ lực thúc đẩy ngành công nghiệp điện thoại di động ở Noida năm ngoái. Trước đó, Ấn Độ quen với việc nhập khẩu hoàn toàn điện thoại di động được chế tạo từ Trung Quốc, Hồng Kông. Nhưng ông Modi đã khuyến khích các doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện và lắp ráp trong nước. Điều này đã giúp chuyển dịch khoảng 100.000 việc làm từ Trung Quốc sang Ấn Độ.

Lava International, một trong những nhà sản xuất điện thoại di động hàng đầu tại vùng Noida, cho hay họ buộc phải ngừng sản xuất trong 10 ngày và cho công nhân tạm nghỉ. “Chúng tôi đang chờ đợi và xem xét kế hoạch tiếp theo, tùy tình hình cải thiện hay xấu đi”, công ty tuyên bố.

Bộ trưởng Bộ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, Kalraj Mishra nhận định: “Những tổn thất trong các ngành công nghiệp nhỏ và vừa là không đáng kể và chỉ là tạm thời”. “Một khi dòng tiền trở lại thì sự phục hồi công nghiệp sẽ trở lại”, ông nói. Bộ của ông đang tiến hành khoảng 50 buổi đào tạo mỗi ngày tại các trung tâm công nghiệp nhỏ để hướng dẫn người dân chuyển đổi sang giao dịch không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, nhiều chủ doanh nghiệp cho rằng, điều này không phải dễ dàng bởi đa số người lao động không chấp nhận dùng séc và cũng không có điện thoại thông minh kết nối Internet.

Bạn không thể nhồi một động cơ phản lực vào chiếc xe bò rồi mong đợi nó bay” - Bandish Jindal, một nhà sản xuất phụ tùng xe đạp ở thành phố phía Bắc Ludhiana, đồng thời là Chủ tịch của Liên đoàn các Hiệp hội Công nghiệp nhỏ của Ấn Độ, cho biết. “Làm sao chúng ta có thể chuyển đổi sang không dùng tiền mặt chỉ sau một đêm?” - ông băn khoăn.

Tại Bhiwandi ở miền Tây Ấn Độ, nơi có nghề dệt lớn nhất của quốc gia, trước đây thường có khoảng 2 triệu máy dệt hoạt động liên tục suốt ngày đêm. Giờ đây, có vô số máy ngừng chạy. “Sự thiếu hụt tiền mặt là cú đánh mới nhất cho ngành công nghiệp dệt vốn đã bị ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh toàn cầu. 50-60% khung dệt điện đã ngừng hoạt động và 150.000 công nhân đã phải nghỉ việc” - Rashid Tahir Momin, thành viên của gia đình sở hữu khoảng 400 khung dệt điện cho biết.

Hãy quên việc tạo ra công ăn việc làm mới đi. Quyết định của ông Modi đang lấy đi công ăn việc làm của người dân” - lãnh đạo phe đối lập trong quốc hội, ông Rahul Gandhi, đã tận dụng cơ hội để chỉ trích Thủ tướng. Thực tế cho thấy, mặc dù có hai thập kỷ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, song kinh tế Ấn Độ vẫn không tạo ra đủ công ăn việc làm mới. Mỗi tháng trung bình có gần một triệu người gia nhập thị trường việc làm, song cả năm 2015, chỉ có 135.000 việc làm mới được tạo ra, con số thấp nhất kể từ năm 2009.

Chưa đủ tiền cung ứng

Để phục vụ cho quyết định đổi tiền mới thay thế các đồng mệnh giá 500 và 1.000 rupee, Chính phủ Ấn Độ đã đề ra các hạn mức đổi và rút tiền đối với người dân và doanh nghiệp. Trong lần điều chỉnh gần đây nhất, dù đã được nới lỏng, người dân chỉ được phép đổi tối đa 4.500 rupee mỗi ngày, 24.000 rupee mỗi tuần tại ngân hàng và được rút không quá 2.500 rupee/ngày từ các máy rút tiền tự động ATM.

Chính phủ Ấn Độ dự kiến quá trình đổi tiền dự kiến sẽ hoàn tất sau 50 ngày kể từ hôm 8-11. Nhưng đến nay, khi thời hạn trên đã cận kề, các ngân hàng đều cho rằng lệnh hạn chế rút tiền cần phải tiếp tục được kéo dài sau ngày 30-12 bởi Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) không đáp ứng được nhu cầu về tiền mới.

Ghi nhận của Times of India sau 25 ngày kể từ khi lệnh đổi tiền được ban bố, tại các chi nhánh và phòng giao dịch của nhiều ngân hàng như ICICI, HDFC, SBI, Kotak Mahindra, Indus Ind, PNB... từ sáng sớm người dân đã xếp hàng dài để đổi tiền.

Thật là nực cười khi chúng tôi không thể rút được tiền lương từ tài khoản riêng của mình, sau khi xếp hàng đợi trong nhiều giờ vì thiếu tiền mặt” - một khách hàng tên Rajeev Choudhary nói. Đáp lại một nhân viên ngân hàng HDFC nói: “Ba ngày qua chúng tôi không có tiền mặt và chỉ nhận tiền gửi”.

Theo ghi nhận của tờ Business Standard, nhiều ngân hàng không thể đáp ứng nhu cầu rút tiền với hạn mức 24.000 rupee mỗi tuần, do thiếu tiền mặt. Nếu lệnh giới hạn rút tiền được dỡ bỏ cho cá nhân và doanh nghiệp từ ngày 2-1-2017 theo dự kiến, không chắc các ngân hàng có thể đáp ứng được.

“Hầu hết chúng tôi đều nghĩ rằng lệnh giới hạn rút tiền sẽ không loại bỏ hoàn toàn, mà có thể sẽ là linh hoạt hơn nếu tình hình tiền mặt được cải thiện”, một quan chức ngân hàng giấu tên cho biết.

Ông C.H. Venkatachalam, Tổng thư ký Hiệp hội Nhân viên ngân hàng toàn Ấn Độ, bức xúc nói với trang Hindustantimes.com: “Tình cảnh xếp hàng vẫn không giảm và không có hy vọng dịu bớt. Làm sao có thể giảm được khi Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ chỉ cung cấp được có 20-30% tổng nhu cầu về tiền mặt ở các ngân hàng?”.


Theo saigontimes