Ticker

10/recent/ticker-posts

Các kiểu lệnh giao dịch trên thị trường Forex

Trong thị trường forex, một lệnh giao dịch là một chuỗi các mệnh lệnh mã hóa được gửi từ phần mềm trên máy tính đến sàn giao dịch bao gồm các thông tin về cặp tiền giao dịch, khối lượng giao dịch, kiểu lệnh giao dịch, tỉ giá giao dịch. Phần lớn các phần mềm giao dịch cho phép gửi lệnh giao dịch một cách nhanh chóng và đơn giản chỉ bằng một hoặc hai cú click chuột. Trong một số trường hợp, lệnh giao dịch còn được thực hiện trực tiếp trên đồ thị giá. Một vài kiểu lệnh giao dịch cơ bản được chấp nhận bởi hầu hết các sàn giao dịch, trong khi có một số loại lệnh đặc biệt chỉ áp dụng tại một số sàn nhất định. Hãy cùng tìm hiểu về các loại lệnh giao dịch phổ biến nhất trên thị trường.
Lệnh Market/Instant
Lệnh market/instant là kiểu lệnh đơn giản nhất, thực hiện nhanh nhất và là cách phổ biến nhất để thực hiện một giao dịch. Với lệnh market/instant, giao dịch được thực hiện ngay lập tức tại tỉ giá hiện hành đang tồn tại trên thị trường. Nếu bạn mua, lệnh market/instant được khớp tại giá ask; và nếu bạn bán, lệnh market/instant được khớp tại giá bid. Kiểu lệnh market/instant thực chất là 1 trong 2 loại lệnh: lệnh market (lệnh thị trường) hoặc lệnh instant (lệnh vào ngay). 
 
Lệnh chờ Stop
Lệnh chờ Stop là một loại lệnh chờ mà giá khớp lệnh được đặt trước. Lệnh chờ stop không khớp lệnh ngay lúc đặt lệnh tại mức giá hiện tại mà sẽ tự động đặt một lệnh mua nếu giá lên hoặc một lệnh bán nếu giá xuống và chạm một mức giá đã được xác định trước.
 
Khi bạn cho rằng giá sẽ tiếp tục đi lên nếu nó chạm một mức giá nhất định phía trên mức giá hiện tại, thì bạn sẽ đặt một lệnh buy stop (chờ mua ở giữa xu hướng) tại mức giá đó. Ngược lại, khi bạn cho rằng giá sẽ tiếp tục đi xuống nếu nó chạm một mức giá nhất định phía dưới mức giá hiện tại, thì bạn sẽ đặt một lệnh sell stop (chờ bán ở giữa xu hướng) tại mức giá đó. Hãy tưởng tượng rằng lệnh chờ stop giống như một cái bẫy được đặt tại một điểm, chỉ chờ giá đi qua điểm đó là nó sẽ vào lệnh để bám theo hướng giá đi qua.
 
 
 
Ví dụ, giá EUR/USD hiện tại là 1.20500, bạn nghĩ rằng nếu giá tăng lên đến 1.20700 thì nó sẽ tiếp tục tăng nữa. Do đó, thay vì ngồi đợi và theo dõi giá nhảy múa trước mặt, bạn có thể đặt một lệnh buy stop với giá đặt trước là 1.20700 sau đó tắt máy tính và đi ra ngoài. Bất cứ khi nào giá chạm mức 1.20700, một lệnh mua sẽ được kích hoạt ngay lập tức. Hãy nhớ rằng bạn chỉ có thể hủy lệnh chờ stop nếu như nó chưa bị kích hoạt.
 
Lệnh chờ Limit
Lệnh chờ Limit là một loại lệnh chờ mà giá khớp lệnh được đặt trước. Lệnh chờ limit không khớp lệnh ngay lúc đặt lệnh tại mức giá hiện tại mà sẽ tự động đặt một lệnh mua nếu giá xuống hoặc một lệnh bán nếu giá lên và chạm một mức giá đã được xác định trước.
 
Khi bạn cho rằng giá sẽ quay đầu đi lên nếu nó chạm một mức giá nhất định phía dưới mức giá hiện tại, thì bạn sẽ đặt một lệnh buy limit (chờ mua ở đáy) tại mức giá đó. Ngược lại, khi bạn cho rằng giá sẽ quay đầu đi xuống nếu nó chạm một mức giá nhất định phía trên mức giá hiện tại, thì bạn sẽ đặt một lệnh sell limit (chờ bán ở đỉnh) tại mức giá đó. Hãy tưởng tượng rằng lệnh chờ limit giống như một cái bẫy được đặt tại một điểm mà điểm đó nhiều khả năng là đỉnh hoặc đáy của một xu hướng, chỉ chờ giá chạm vào điểm đó là nó sẽ vào lệnh để chờ cơ hội xu hướng giá đổi chiều.
 
 
Ví dụ, giá EUR/USD hiện tại là 1.20500, bạn nghĩ rằng nhiều nhất là giá chỉ tăng đến 1.20700 thì sẽ quay đầu giảm xuống. Do đó, thay vì ngồi đợi và theo dõi giá nhảy múa trước mặt, bạn có thể đặt một lệnh sell stop để bắt đỉnh của xu hướng với giá đặt trước là 1.20700 sau đó tắt máy tính và đi ra ngoài. Bất cứ khi nào giá chạm mức 1.20700, một lệnh bán sẽ được kích hoạt ngay lập tức. Giống như lệnh chờ stop, bạn chỉ có thể hủy lệnh chờ limit nếu như nó chưa bị kích hoạt.
 
Cả hai kiểu lệnh chờ stop và lệnh chờ limit được gọi chung là lệnh chờ. Việc chúng có được kích hoạt hay không phụ thuộc vào việc giá có chạm mức giá chờ đã được đặt trước hay không.
 
Lệnh cắt lỗ (Stop loss)
Lệnh cắt lỗ là một loại lệnh được bổ sung vào một lệnh khác để tự động đóng lệnh đó lại nếu giá chạm tới một mức giá nhất định mà tại đó bạn chấp nhận cắt lỗ. Điều này nhằm mục đích tránh cho bạn bị thua lỗ nhiều hơn nếu xu hướng giá đi theo hướng bất lợi (gây lỗ). Lệnh cắt lỗ là cực kỳ quan trọng với bất kỳ trader nào bởi vì nó giúp kiểm soát rủi ro và hạn chế thua lỗ. Nếu không có lệnh cắt lỗ, bạn có thể mất hết vốn chỉ trong thời gian rất ngắn nếu giá đi ngược lại bạn quá nhanh. Bạn luôn có thể bổ sung lệnh cắt lỗ vào bất cứ loại lệnh nào khác và nó sẽ vẫn còn tác dụng cho tới khi nào lệnh đó vẫn đang tồn tại. Hoặc bạn có thể điều chỉnh hoặc hủy lệnh stop-loss đối với một lệnh khác bất cứ lúc nào.


 
 
Ví dụ, bạn mua EUR/USD với giá 1.20500, nhưng sau đó giá bắt đầu đi xuống. Bạn không muốn mất quá nhiều tiền nên bạn nghĩ sẽ đóng giao dịch sai lầm này lại nếu giá giảm xuống đến 1.20300. Nhưng bạn lại có việc phải đi ra ngoài và không thể ngồi đợi và theo dõi giá được nên bạn sẽ bổ sung một lệnh cắt lỗ vào lệnh mua hiện tại với giá cắt lỗ là 1.20300. Khi bạn quay trở về, giá tụt xuống đến mức 1.2000 nhưng giao dịch của bạn đã được đóng lại ở mức giá 1.2030 và bạn chỉ lỗ số tiền mà bạn đã xác định sẵn sàng mất.

Trong các phần mềm giao dịch, lệnh cắt lỗ được viết là "stop loss". Trong các tài liệu, thuật ngữ hoặc cách gọi tắt khi trao đổi trên website, nó cũng có thể được gọi tắt là SL.

Lệnh chốt lời (Take Profit)
Lệnh chốt lời là một loại lệnh được bổ sung vào một lệnh khác để tự động đóng lệnh đó lại nếu giá chạm một mức giá nhất định mà tại đó bạn quyết định chốt lời. Điều này nhằm mục đích hiện thực hóa lợi nhuận mà bạn đã đạt được. Lệnh chốt lời rất hữu ích vì nó giúp bạn biến số tiền lãi danh nghĩa thành số tiền lãi thật thực sự. Nếu không có lệnh chốt lời, bạn có thể bị tuột khỏi tay số tiền lãi khi giá bất ngờ quay đầu theo hướng bất lợi (gây lỗ). Cũng giống như lệnh cắt lỗ, lệnh chốt lời có thể được bổ sung, điều chỉnh và hủy bỏ bất cứ lúc nào.


 
 
Ví dụ, bạn mua EUR/USD tại giá 1.20500, sau đó giá bắt đầu tăng và bạn bắt đầu có lãi. Bạn nghĩ rằng giá chỉ có thể tăng cao nhất lên đến 1.20700 và bạn cảm thấy thỏa mãn với mức lãi tại giá này. Nhưng bạn lại có việc phải ra ngoài và không thể ngồi đợi được nên bạn bổ sung một lệnh chốt lời vào lệnh mua hiện tại với giá chốt lời là 1.20700. Khi bạn quay về, giá đã bị tụt xuống 1.20300 nhưng trước đó nó đã vẫn kịp chạm mức 1.20700 trước khi quay đầu giảm xuống. Giờ thì bạn phải cảm ơn lệnh chốt lời đã giúp bạn thu được tiền lãi trước khi nó bay hơi vì giá giảm.

Trong các phần mềm giao dịch, lệnh chốt lời được viết là "take-profit". Trong các tài liệu, thuật ngữ hoặc cách gọi tắt khi trao đổi trên website, nó cũng có thể được gọi tắt là TP.
 
 
 
Lệnh cắt lỗ đuổi (Trailing Stop)
Lệnh cắt lỗ đuổi là một loại lệnh được bổ sung vào một lệnh khác để tự động di chuyển mức cắt lỗ theo một khoảng cách cố định so với mức giá hiện tại khi giá đi theo hướng có lợi (tạo ra lãi), nhưng sẽ giữ nguyên vị trí cắt lỗ nếu giá đi theo hướng bất lợi (gây lỗ). Vì tính chất này mà lệnh cắt lỗ đuổi cũng được mệnh danh là "máy gặt". Tuy gọi là "cắt lỗ đuổi" nhưng dù giá có quay đầu theo hướng bất lợi và đóng lệnh tại mức giá cắt lỗ đã di chuyển thì trên thực tế là luôn có lãi so với điểm vào lệnh ban đầu. Có một số điều cần ghi nhớ về lệnh cắt lỗ đuổi:
 
- Lệnh cắt lỗ đuổi sẽ chưa đặt ra bất kỳ mức cắt lỗ nào cho đến khi giá hiện tại đã tạo ra một khoảng cách bằng khoảng cách cắt lỗ so với giá vào lệnh. Tức là nó luôn đảm bảo chỉ di chuyển mức cắt lỗ từ vị trí mà lệnh bắt đầu có lãi.
 
- Một khi mức cắt lỗ đã được dịch chuyển bám theo hướng giá có lợi, nó sẽ là chiếc khóa một chiều và sẽ không bao giờ lùi bước ngay cả khi giá quay đầu ngược lại về hướng bất lợi. Trong trường hợp đó, mức cắt lỗ sẽ đứng im chờ cho đến khi giá quay lại để chạm vào và kích hoạt việc đóng lệnh.
 
 
Với tính năng này, lệnh cắt lỗ đuổi là một công cụ hiệu quả để bạn bảo vệ và tối đa hóa lợi nhuận theo cách "để giá đi xa nhất có thể". Cũng giống như lệnh cắt lỗ và chốt lời, lệnh cắt lỗ đuổi cũng có thể được bổ sung, thay đổi và hủy bỏ bất cứ lúc nào.